Màn hình: 15.6″ 300Hz FHD IPS (1920 x 1080), chống chói Độ phủ màu: 100% sRGB, 70% AdobeRGB
“Chà! Đây là OMEN mới sao?” – Đó chính xác là những gì người viết nghĩ tới khi lần đầu nhìn thấy HP OMEN 15 2020. Vốn đã phát chán với sự hầm hố mà chiếc laptop phụ OMEN 15 2019 đem lại; việc chứng kiến một vẻ ngoài bóng bẩy, hiện đại của phiên bản 2020 giống như một sự cứu rỗi vậy. Thật khó để cưỡng lại mong muốn mang về và dùng thử, tất cả là để xem những điều tuyệt vời có thực sự nhiều như cách mà HP thay đổi ngoại hình OMEN 15 năm nay hay không.
Một pha chuyển mình lớn đang mở ra với dòng OMEN, nhưng liệu những gì nó đem lại liệu có xứng đáng để mong chờ?
Thiết kế: Lột xác, nhưng chưa đến mức tốt nhất
Nếu được miêu tả ngắn gọn ngoại quan của HP OMEN 15 2020, “Lột xác đáng kể” sẽ là cụm từ mà người viết chọn. Khác hẳn với vẻ hầm hố và gai góc của năm ngoái; trên tay người viết lúc này là một OMEN hoàn toàn khác: Đơn giản hơn, hiện đại hơn, và cũng nhờ vậy mà hấp dẫn hơn.
Ngay từ cái nhìn đầu tiên, người viết đã khá bất ngờ khi những được cắt chéo, những họa tiết đen đỏ truyền thống của OMEN đã bị lược bỏ hoàn toàn. Thay vào đó, chúng ta có một sản phẩm với bộ vỏ vuông vắn và láng mịn, tưởng như chỉ xuất hiện trên các sản phẩm Razer Blade hay một vài dòng máy OEM cao cấp khác. Logo VOODOO thường thấy ở dòng OMEN cũng đã được làm lại, bóng bẩy hơn và có khả năng đổi màu rất đẹp mắt.
Nhìn chung, nếu là người ưa màu mè, hầm hố truyền thống; sự đơn giản bất ngờ của OMEN 2020 sẽ gây ít nhiều tiếc nuối. Nhưng nếu bạn đọc cũng như người viết, sử dụng chiếc laptop của mình cho mọi tác vụ trong ngày, đây sẽ lại là một sự thay đổi khá là cần thiết. Ngoài giải trí tại nhà; người viết cũng có lúc làm việc ở quán cafe hay gặp mặt đối tác ở những không gian trang trọng. Và trong những lúc như vậy, OMEN 2020 vẫn giúp người viết thoải mái vì cảm giác “chuyên nghiệp”, “hòa nhập” với môi trường xung quanh.
Tuy vậy, chất lượng hoàn thiện của OMEN 15 2020 lại chưa hề xứng với tầm tiền, với lớp vỏ khiến người viết hụt hẫng với cấu tạo hầu hết từ nhựa. Chính vì vậy với một số vị trí trọng yếu như mặt lưng, người viết có thể dễ dàng thấy được độ flex dù chỉ tác dụng một lực vừa phải. Lượng vân tay bám vào sau một thời gian ngắn sử dụng cũng không ít, khiến cho vỏ máy phần nào kém cao cấp đi một chút. Điểm sáng có chăng sẽ chỉ nằm ở mặt C với vật liệu nhôm chắc chắn. Đây cũng là khu vực duy nhất trên OMEN 2020 được sử dụng kim loại – thứ đáng ra phải xuất hiện nhiều hơn nữa trên một chiếc laptop trị giá lên tới 40 triệu Đồng.
Ngoài ra, dù hầu hết làm bằng nhựa nhưng máy vẫn hơi nặng (2.1kg) và dày (32mm); một thân hình sẽ khiến những người quen dùng laptop gaming mỏng nhẹ phải cân nhắc.
Về phần bản lề, HP cũng đã bỏ đi bản lề giữa để thay bằng bản lề hai bên truyền thống để phù hợp với thiết kế. Chất lượng tuy chỉ ở mức tạm, nhưng nhìn chung vẫn nhỉnh hơn so với phiên bản năm ngoái. Cảm giác gập nhẹ nhàng, nhưng khi gập nhanh một chút thì có thể thấy hiện tượng rung lắc nhẹ với màn hình.
Màn hình: Chất lượng cao, tuyệt vời cho mọi tác vụ
Về màn hình, không gian trải nghiệm trên màn hình 15.6-inch vẫn rất rộng nhờ viền hai bên và viền trên ở mức mỏng. Chưa kể, phần bản lề trên OMEN 15 2020 do làm hai bên nên cũng kín hơn. Vì vậy dù độ dày viền dưới không thay đổi nhưng trải nghiệm thị giác cho ra là “mỏng hơn”, thỏa mãn hơn so với đời 2019.
Tuy vậy với game thủ, điểm đáng quan tâm ở màn hình này không gì khác ngoài tần số quét 300Hz – một mức độ chắc chắn sẽ làm hài lòng bất kỳ người chơi nào. Nhất là với các game thủ FPS, những người chú trọng từng chuyền động, từng pha lia chuột để có thể chiếm lợi thế và thay đổi thế cục trận đấu. Ngay từ trải nghiệm cuộn tab, 300Hz cũng đã quá mượt và chắc chắn sẽ khiến bạn đọc hài lòng.
Còn về chất lượng, tấm nền IPS FullHD của OMEN 15 2020 cho ra thống số rất tốt về màu sắc: 100% sRGB, 77% AdobeRGB, 80% DCI-P3 và độ sai lệch màu DeltaE 1.39. Với kết quả này; dù là làm việc, chơi game hay làm các tác vụ chỉnh sửa ảnh, video; đây vẫn sẽ là một màn hình đủ chất lượng.
Bàn phím và touchpad: Thay đổi chưa thú vị
Ở khu vực này, HP đã cho OMEN 15 2020 khá nhiều thay đổi so với phiên bản năm ngoái. Về bàn phím, cụm phím số đã bị lược bỏ, thay vào đó là không gian rộng dành riêng cho phím chức năng và mũi tên. Layout phím chữ cũng đã được sửa đổi chút ít, với font chữ đồng đều và bớt “hầm hố” hơn.
Nhìn chung, phím của OMEN 15 2020 trông khá ổn về mặt thẩm mỹ, nhưng về cách sắp xếp phím thì vẫn còn vấn đề. Đơn cử như phím nguồn được đẩy vào bên trong khu vực phím chữ, sẽ khá là khó để làm quen trong thời gian đầu sử dụng. Chưa kể phím PrtSc để chụp màn hình cũng vì thế bị xê dịch, người dùng đã quen với tổ hợp phím Windows + PrtSc cũng sẽ ít nhiều phải thay đổi thói quen. HP hoàn toàn có thể đặt nút nguồn ở trên đầu như bản 2019 và làm nổi bật lên, vừa dễ tìm lại vừa không thể bấm nhầm.
Về trải nghiệm gõ, cảm giác là khá tốt nhờ hành trình phím ở mức ổn, tuy nhiên việc thay đổi layout cũng khiến việc gõ nhầm diễn ra hơi thường xuyên. Có lẽ bạn đọc khi mua máy sẽ cần làm quen với điều này. Phần chiếu nghỉ tay bằng kim loại mát lạnh, đủ rộng để hai tay kê lên thoải mái. Khi chơi game, bàn phím cũng có LED RGB 4 vùng với độ sáng tốt, giúp chiếc laptop của chúng ta có thể trở nên nổi bật.
Touchpad của HP OMEN 15 2020 cũng có thay đổi, không còn hai phím cứng như ở bản 2019 nữa. Kích thước ở mức trung bình, tuy nhiên vẫn được phủ kính nên người viết vẫn cảm thấy phần nào hài lòng.
Hiệu năng: Trải nghiệm bậc cao
Với phiên bản Intel, HP OMEN 15 2020 trên tay người viết sở hữu cấu hình mạnh mẽ quen thuộc: CPU Intel Core i7-10750H 6 nhân 12 luồng, card đồ họa rời NVIDIA RTX 2060 6GB, 16GB RAM DDR4 và 512GB SSD NVMe. Mặc dù đây vẫn chưa phải cấu hình tối ưu nhất khi xét trên tầm tiền 40 triệu Đồng (nếu bỏ qua màn hình 300Hz 100%sRGB) nhưng qua một số thử nghiệm, người viết vẫn thấy đây là một cấu hình đủ tốt để đáp ứng hầu hết các nhu cầu sử dụng hiệu năng cao.
Ngoài ra, HP OMEN 15 2020 còn có một phiên bản sử dụng CPU AMD Ryzen 7 4800H 8 nhân 16 luồng, card đồ họa rời NVIDIA GTX 1660Ti 6GB cũng rất mạnh mẽ với mức giá rẻ hơn tới 10 triệu Đồng (29.990.000đ). Tuy vậy, mức giá chênh lệch cũng kéo theo sự thiệt thòi của phiên bản này về lượng RAM (8GB DDR4 so với 16GB DDR4) và màn hình tần số quét dừng ở 144Hz. Nhưng dù sao đi nữa, đây vẫn hoàn toàn có thể là một lựa chọn chất lượng nếu hầu bao của bạn đọc không ở mức “siêu to khổng lồ”, nhất là với Ryzen 7 4800H chúng ta sẽ có số nhân thực và luồng nhiều hơn hẳn i7-10750H để yên tâm làm việc.
Với các nhu cầu lướt web, soạn thảo văn bản; gần như chúng ta không phải nghi ngờ gì về hiệu năng của một sản phẩm 40 triệu Đồng với phần cứng khủng. Máy vẫn mượt mà, khởi động ứng dụng nhanh gọn, chuyển qua lại các ứng dụng là rất tốt. Để cho khách quan, người viết cũng đã dùng cả phần mềm giả lập tác vụ văn phòng chuyên dụng PCMark10, và kết quả cho ra thì ở mức rất cao.
Còn khi chuyển sang các tác vụ công việc nặng hơn, hệ thống cũng cho thấy khả năng duy trì sức mạnh ấn tượng. Test thử khả năng render bằng CPU với Cinebench R15, i7-10750H cho điểm số đơn nhân và đa nhân đều cao và có thể duy trì kết quả ổn qua nhiều lần đo (người viết thử 10 lần chạy nặng liên tiếp không nghỉ). Xung nhịp khi hoạt động cũng có thể lên tối đa 4.7GHz (đơn nhân), điều mà không phải hệ thống nào cũng có thể làm được với CPU mạnh mẽ như 10750H. Tuy vậy, nhiệt độ khi render sẽ khá nóng (90 độ).
Về sức mạnh phần cứng khi chơi game, có lẽ mọi thứ là không cần bàn nhiều với card đồ họa rời RTX 2060. Với bài test hiệu năng GPU 3DMark FireStrike, điểm số cho ra của 2060 cũng là rất tốt.
Còn về hiệu năng tổng thể, điểm số trên 3DMark TimeSpy cũng cho kết quả khả quan.
Khi chơi game, phần cứng mạnh mẽ của OMEN 15 2020 kết hợp rất tốt với màn hình 300Hz để đem lại những trải nghiệm tốt nhất. Ví dụ như những tựa game FPS như CS:GO, FPS trung bình 250 hoàn toàn phù hợp để phát huy sức mạnh của màn hình tần số quét cao. Các game thủ có xu hướng chơi “tryhard” hoàn toàn có thể tin tưởng vào trải nghiệm từ OMEN để leo rank Competitive, hay thậm chí là FACEIT.
Với những tựa game AAA, hiệu năng OMEN 15 2020 cho ra cũng đều ở mức tốt. Thử nghiệm với The Witcher 3 và Grand Theft Auto V, FPS cả hai cho ra đều ở ngưỡng cao với Settings đồ họa đều ở mức cao nhất. Với chế độ quat Performance, nhiệt độ phần cứng lúc này cũng được duy trì tốt (85 độ cho CPU và 70 độ cho GPU), cũng có lúc tăng vọt nhưng rất ít.
Tuy vậy, tiếng quạt lúc này sẽ rất ổn, bạn đọc chỉ nên sử dụng ở phòng riêng hoặc không gian ít người xung quanh. Tốc độ quạt sẽ có thể chỉnh qua phần mềm OMEN Command Centre, mở bằng nút cứng hoặc tìm kiếm trong phần mềm.
Bộ nhớ trong: Buồn của SSD Intel
Với HP OMEN 15 2020, người dùng sẽ có sẵn bộ nhớ mặc định là 512GB SSD NVMe của Intel. Tốc độ đọc ghi cho ra hơi tiếc là ở mức chậm, đủ để sử dụng nhưng nếu so qua các sản phẩm cùng tầm khác chạy SSD SKHynix hay WD thì vẫn sẽ là chưa đủ.
Ngoài ra, nếu muốn nâng cấp dung lượng bộ nhớ, OMEN 15 2020 cũng sẽ có thêm 1 khe NVMe nữa để lắp thêm SSD. Khá là tiện khi dung lượng game ngày nay vẫn đang nhiều dần lên.
Hệ thống âm thanh: Bang & Olufsen vẫn tuyệt vời
Với dải loa họa tiết độc đáo đặt ngay sát màn hình, người dùng sẽ có thể đón nhận luồng âm thanh “vỗ mặt” thay vì dội lại từ mặt bàn. Âm thanh của loa cũng được tinh chỉnh bởi thương hiệu Đan Mạch Bang & Olufsen, vậy nên đây là một thiết bị cho trải nghiệm âm thanh ấn tượng khi giải trí. Loa có âm thanh khá tách bạch cùng âm trường vừa phải, dùng để nghe nhạc hay xem phim đều ổn cả. Khi chơi game, loa cũng tái hiện ổn tiếng súng, tiếng nổ trong game nhờ bass ở mức vừa.
Cổng kết nối: Đầy đủ
Về cổng kết nối, OMEN 2020 thay vì tận dụng mặt lưng để đặt cổng thì sẽ dàn ra hai bên để người dùng tiện sử dụng. Vê số lượng, chúng vẫn là đủ và đa dạng để bạn đọc làm đa tác vụ: 3 cổng USB-A 3.1 Gen 1, 1 cổng USB-C 3.1 Gen 2 hỗ trợ Thunderbolt 3, 1 cổng RJ-45, 1 cổng HDMI 2.0a, 1 jack cắm tai nghe 3.5mm và một cổng mini DisplayPort.
Với viên pin 71Wh, người viết đã có được khoảng 5.5-6h sử dụng, với độ sáng màn hình 50% và các tác vụ thực hiện được đều ở mức văn phòng cơ bản. Một thời lượng pin đủ tốt nếu xét về khía cạnh laptop gaming, nhưng mang trên vai một cỗ máy hơn 2kg để có ngần ấy thời lượng, liệu có đáng hay không thì người viết sẽ để bạn đọc cân nhắc.
Kết luận
Với OMEN 15 2020, HP dường như đang muốn thay đổi mạnh mẽ để có một sản phẩm vừa mạnh mẽ, vừa hấp dẫn trong thời đại mọi thứ đều dần “tối giản hóa”. Và với những gì người viết trải nghiệm, thật khó để phủ nhận những ưu điểm mà hãng đã làm cùng mẫu máy này.
Một màn “lột xác” khá ấn tượng, nhưng dù sao vẫn còn tồn tại những điểm chưa tới. Một lớp vỏ chưa được hoàn thiện xứng tầm tiền, một layout phím chưa tối ưu cho trải nghiệm,… Nếu muốn tiến xa thực sự, HP sẽ cần chăm chút hơn vào những yếu tố tưởng chừng không quá to tát này.